Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động

Trước tình trạng số người bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tăng, đặt ra yêu cầu cấp bách tại mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là kiểm soát những yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.

Vẫn còn nhiều lơ là trong công tác an toàn vệ sinh lao động

Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2015 cả nước đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động làm 7.785 người bị nạn, trong đó: Số vụ tai nạn lao động chết người: 629 vụ; Số vụ tai nạn lao động có hai người bị nạn trở lên: 79 vụ; Số người chết do tai nạn lao động: 666 người; Số người bị thương nặng do tai nạn lao động: 1.704 người và Nạn nhân là lao động nữ: 2.432 người. Trong đó, lĩnh vực xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết, tiếp đến là các lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực khai thác khoáng sản, lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp.

Trong năm, ngành y tế đã phát hiện được 8.966 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp (tăng 31,9%) tập trung vào các bệnh bụi phổi silic (1.369 trường hợp), bệnh bụi phổi bông (56 trường hợp), bệnh viêm phế quản nghề nghiệp (127 trường hợp), bệnh bụi phổi than (5 trường hợp), bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất của chì (181 trường hợp), bệnh nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp (16 trường hợp)…

Mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhưng tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ trong năm 2015 vẫn diễn biến rất nghiêm trọng, số vụ tai nạn lao động tăng, số người chết do tai nạn lao động và số vụ cháy đều tăng.

Điều này cho thấy, công tác kiểm soát an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn chưa được chú trọng, chỉ khi có tai nạn xảy ra thì chủ sử dụng lao động, cùng cơ quan chức năng mới vào xử lý, giải quyết.

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp luôn là vấn đề “nhức nhối” đối với toàn xã hội

Cần tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc

Trước tình trạng trên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Theo đó, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động như sau:

(i) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực như khai thác khoáng sản, thi công công trình xây dựng, sửa chữa, đóng tàu biển, truyền tải và phân phối điện… đảm bảo điều kiện có từ 01 đến 03 nhân viên phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động tùy theo số lượng người lao động tại cơ sở.

(ii) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh những ngành nghề, lĩnh vực khác thì cần đảm bảo từ 01 đến 02 người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động và cũng tùy theo số lượng lao động tại cơ sở.

Nghị định 39 cũng hướng dẫn việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động quản lý nhà nước…

Trong đó, việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc phải căn cứ vào việc nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, người sử dụng lao động xác định mục tiêu và các biện pháp phù hợp để phòng, chống tác hại của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, theo thứ tự ưu tiên:

Một là, loại trừ các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ngay từ khâu thiết kế nhà xưởng, lựa chọn công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu.

Hai là, ngăn chặn, hạn chế sự tiếp xúc, giảm thiểu tác hại của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại bằng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật và áp dụng các biện pháp tổ chức, hành chính (thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn, vệ sinh lao động; chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động).

Từ đó, xác định rõ thời gian, địa điểm và nguồn lực để thực hiện mục tiêu, biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.

Ngoài ra, Nghị định 39/2016/NĐ-CP còn quy định việc tổ chức bộ phận y tế tại các cơ sở, đồng thời có những yêu cầu nhất định đối với làm công tác chuyên trách hoặc bán chuyên trách bộ phận an toàn, vệ sinh lao động

Nghị định có hiệu lực từ 01/07/2016, kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động của chủ sử dụng lao động, cũng như người lao động, từ đó giảm số người tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp trong năm 2016 và những năm tiếp theo./.

Loan Trần- Kinh tế và Dự báo

Bình luận với Facebook

Hỗ trợ trực tuyến

0983.418.336
Email:
[email protected]

Skype: Chat ngay



Đăng ký

dịch vụ kế toán